Du khách thường biết đến Hà Giang nổi tiếng với Cột cờ Lũng Cú cực bắc Tổ quốc nơi bắt đầu những nét vẽ đầu tiên của bản đồ hình chữ S, những mùa hoa nở thắm núi rừng, tản bộ trên con đường Hạnh Phúc hay hùng vĩ với đèo Mã Pí Lèng, thì lại lãng quên mất những điểm đến tuyệt vời khác, đẹp như cõi mộng mơ ở Hà Giang.
Ghé thăm những đồi hoa tam giác mạch nở bạt ngàn hoa, dịu dàng khoe sắc đắm say
Cảnh sắc ngỡ chốn thần tiên
Sông Lô – Hạ Long lạc giữa miền cao nguyên đá Hà Giang
Hành trình từ thành phố Hà Giang đi lên cao nguyên đá Đồng Văn lữ khách sẽ đi qua vùng đất thấp dọc theo thung lũng Sông Lô đoạn chảy qua huyện Vị Xuyên.
Xuôi dòng Sông Lô ngỡ như lạc giữa miền cao nguyên đá – Ảnh: sưu tầm
Quả thật, sông Lô đẹp như sử sách thi ca từng viết về nó, là nguồn cảm hứng dạt dào cho biết bao thế hệ thi nhân để từ đó đã cho ra đời những áng thi ca bất hủ
Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát – Ảnh: sưu tầm.
Dọc theo con đường quốc lộ ven theo dòng sông có đoạn cạn nước trơ ra đáy sông với vô vàn sỏi đá, có chỗ đáy sâu trũng nước đọng lại thành những hồ nhỏ trong xanh, bên cạnh là những khe đá nước chảy nghe róc rách, có đoạn thì nước vẫn vơi đầy trong xanh hiền hòa uốn lượn qua các dãy núi đá vôi, nhìn giống như một phần vịnh Hạ Long trên cạn, một Hạ Long lạc giữa miền cao nguyên đá.
Những dòng chảy trong xanh, hiền hòa, uốn lượn đầy vẻ thi ca – Ảnh sưu tầm.
Cổng trời Quản Bạ và núi đôi Cô Tiên
Tạm chia tay sông Lô tiếp tục hành trình là đến trung tâm xã Minh Tân, một xã của huyện Vị Xuyên. Qua khỏi trung tâm xã vượt qua cầu Minh Tâm là cửa ngõ bắt đầu vào vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Từ đây lữ khách sẽ phải vượt qua đèo Pắc Xum dài khoảng 20 cây số để lên cổng trời Quản Bạ.
Cổng trời Quản Bạ, cửa ngõ đầu tiên lên cao nguyên Đồng Văn – Ảnh: sưu tầm.
Đèo Pắc Xum tuy không dài nhưng ngoằn nghèo uốn lượn, đường dốc ngược và nhiều khúc cua khuỷa tay. Ô tô, xe máy xuôi ngược, nhẫn nại vượt đèo leo dốc. Khi lên đến trên cao nhìn xuống đường đèo như một sợi dây thừng lắt léo vòng vèo giữa thảm xanh chập chùng của núi và bồng bềnh của mây ngàn cảm giác như lạc giữa chốn thần tiên, như được thăng hoa vì tay có thể chạm vào mây, vành tai chạm vào làn khí mát lạnh trong lành. Từ đây nhiệt độ cũng bắt đầu xuống thấp khoảng 18 – 20 độ C làm 2 lớp áo không che nổi cái lạnh tái tê. Và bất chợt khi làn mây vừa bay đi, cách đó không xa hiện ra là hình ảnh của 1 bé trai đang cõng em gái, cả 2 anh mong manh trong bộ áo quần đơn sơ đã cũ, đứng ngóng nhìn xa xăm xuống phía sườn núi nơi có mẹ đang làm dưới nương ngô. Đơn sơ, mộc mạc nhưng rất thân thương.
Quản Bạ ngập trong mây trời sơn cước – Ảnh: sưu tầm.
Cổng trời Quản Bạ mở ra giữa hai sườn núi đá dựng đứng, cao ngất trên độ cao 1500m so với mặt nước biển, nơi đây quanh năm mây phủ và là nơi cao nhất để ngắm toàn cảnh núi non xung quanh. Dưới chân đèo là thị trấn Tam Sơn sầm uất nhất tỉnh Hà Giang và núi đôi Cô Tiên tròn trịa, đầy quyến rũ trông giống như bộ ngực căng tròn của nàng tiên đang say giấc nồng.
Núi đôi cô Tiên gắn liền với truyền thuyết về chuyện tình của chàng trai H’Mông có tài đàn môi và nàng tiên nữ Hoa Đào. Họ phải lòng nhau qua tiếng đàn môi da diết và nên vợ nên chồng, rồi sinh một bé trai kháu khỉnh.
Núi đôi Quản Bạ nổi lên giữa núi đá và ruộng bậc thang trùng điệp – Ảnh: sưu tầm
Tuy nhiên Ngọc Hoàng phát hiện đã bắt nàng về, thương chồng ở hạ giới một mình nuôi con vất vả, thương con thơ thiếu bầu sữa mẹ nên Hoa Đào đã để lại cặp nhũ của mình dưới hạ giới để cho con bú. Đôi nhũ căng tròn nuôi con nàng khôn lớn theo tháng ngày, sau này đã biến thành hai quả núi dáng hình như bầu vú mẹ, tròn trịa, đều đặn đến lạ thường. “Tương truyền nhờ dòng sữa của nàng mà vùng đất này có khí hậu vô cùng mát mẻ, các loại hoa trái như đào, mận, lê, hồng,… có hương vị thơm ngon kỳ lạ, rau trái thì luôn xanh tươi, lúa ngô tươi tốt. Nước mắt khóc thương chồng con của nàng đã biến thành dòng sông Miện xanh ngắt, mơ màng trôi trên biển đá tai mèo, ôm lấy cả rẻo đất phía sau cổng trời huyền thoại.”
Sông Miện – Dòng sông cổ triệu năm
Vượt qua những cung đường tuyệt đẹp để đến huyện Quản Bạ, rồi từ đây tiếp tục chao mình qua hàng trăm khúc cua xoắn lượn mượt mà để đến với Đông Hà – một xã người Mông nằm giữa núi rừng Quản Bạ. Cung đường Quản Bạ – Yên Minh trở nên yên bình hơn nhưng cũng không kém phần hùng vĩ khi dọc theo hai bên đường một bên là núi đá cao sừng sững, một bên là dòng sông Miện yên bình êm ả với dòng nước trong xanh in dáng núi chập chùng và lòng sông chứa đầy sỏi đá.
Dòng sông Miện yên bình, êm ả in dáng núi chập chùng và lòng sông chứa đầy sỏi đá
Đấy cũng là nét đặc trưng chung của các dòng sông miền Tây Bắc. Tuy nhiên, nét rất riêng của của dòng Sông Miện là tạo hóa đã khéo sắp đặt ban tặng dòng sông dồi dào sản vật nên cuộc sống người dân cũng theo đó mà ấm no trù phú hơn. Trong khi nhiều vùng đất khác của Hà Giang còn trong cơn khát, ruộng đồng khô khan thì nơi đây lại những cánh đồng ngô xanh mướt, trải dài tít tắp đến tận chân núi, rồi len lỏi phủ đầy cả những khe đá.
Dòng sông cổ có niên đại hàng triệu năm, chứa đựng văn hóa và lịch sử
Theo tìm hiểu, hàng trăm triệu năm trước, cả vùng địa đầu tổ quốc Hà Giang còn chìm trong mênh mông biển cả. Trải qua nhiều chuyển động kiến tạo của bề dày lịch sử địa chất, biển bao la hóa núi cao sông dài và sông Miện cũng hình thành từ đó.
Ngày nay, nơi các bản Mông ở các xã Đông Hà – Cán Tỷ xa xôi, cuộc sống ấm no đang nảy nở bên dòng sông từ triệu năm xưa.
Yên Minh, ‘Đà Lạt’ của xứ Bắc
Rừng thông Yên Minh ngỡ như Đà Lạt ở xứ Bắc
Tiếp tục vượt qua bao nhiêu ngọn núi cao, nhẹ nhàng băng qua bao thung lũng sâu thẳm, rồi lại nhẫn nại leo lên đỉnh dốc để tới một vùng đất cao nơi hai bên đường chào đón lữ khách là những hàng cây lá kim xanh rì, và những rừng thông rì rào gió thổi như reo vui giữa trời. Tôi như bắt gặp một Đà Lạt đang vi vu giữa miền cao nguyên đá. Bắt đầu từ đây thi thoảng trên đường lữ khách sẽ bắt gặp những căn nhà trình tường của người dân tộc Pu Péo cửa khóa hững hờ, vách đất vàng ươm, mái lợp ngói âm dương. Đấy chính là vùng đất Yên Minh, vùng đất xanh và lạnh giá trong hành trình chinh phục cao nguyên đá của khách lữ hành.
Đình Tiến