Nếu đến Sapa, bạn đừng quên ghé thăm thác Tình Yêu để lắng nghe câu chuyện tình nghìn năm giữa chàng tiều phu Ô Quy Hồ – người con trai cả của thần núi Ai Lao và nàng tiên thứ bảy xinh đẹp.
- Vẻ đẹp miền núi phía Bắc Việt Nam trên báo nước ngoài
- Những góc ảnh ở Mã Pì Lèng mà bạn nên biết
Sapa có lẽ là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày đông lạnh giá này. Đến Sapa để biết thế nào là lạnh cắt da cắt thịt, là gió rét đến tê buốt chân tay, để trải nghiệm cuộc sống của người dân vùng cao rực rỡ sắc màu hay lạc vào thiên đường đồ nướng ở xứ ấy. Và quan trọng hơn, hãy tìm đến và lắng nghe thiên nhiên Sapa kể câu chuyện tình nó đã ấp ủ hàng nghìn năm nay giờ chỉ còn là truyền thuyết giữa thác Tình Yêu và đèo Ô Quy Hồ.
Nhà thờ đá ở trung tâm thị trấn Sa Pa.
Thác Tình Yêu là điểm đến không thể bỏ sót khi đến Sa Pa, nằm trên địa bàn xã San Sả Hồ, cách thị trấn Sa Pa chừng 4 km về hướng Tây Nam và cách đèo Ô Quy Hồ chừng 3 km theo đường thẳng. Thác có độ cao tương đối gần 100m và độ cao tuyệt đối gần 1800 m so với mực nước biển. Đến thác Tình Yêu, bạn sẽ đắm chìm trong cảnh sắc mê hoặc như ở chốn bồng lai.
Cây cầu dẫn lên thác Tình Yêu.
Thác Tình Yêu huyền ảo như chốn bồng lai.
Tên gọi “thác Tình Yêu” bắt nguồn từ câu chuyện truyền thuyết về tình yêu giữa chàng tiều phu Ô Quy Hồ – người con trai cả của thần núi Ai Lao và nàng tiên thứ bảy. Thác đổ xuống tạo thành những dải bạc lấp lánh, mềm mại tạo thành bồn tắm thiên nhiên kì diệu mà trong truyền thuyết là nơi nàng tiên đã nô đùa, tắm táp trước khi mặt trời lặn và quay về trời. Chàng trai Ô Quy Hồ tuy là con trai của thần núi nhưng lại say mê cảnh sắc thiên nhiên và có tài thổi sáo trúc, không chịu nối nghiệp cha nên bị cha hóa phép làm người thường. Nàng tiên vì mải mê nghe tiếng sáo của chàng Hồ mà quên đường về. Hằng ngày, nàng tiên thứ bảy lại trốn cha mẹ xuống trần để trò chuyện, tâm sự và nghe chàng Hồ thổi sáo. Tình yêu giữa hai người chớm nở nhưng lại không được Ngọc Hoàng chấp thuận. Nàng tiên bị cấm không được xuống trần nữa còn chàng Hồ bị hóa phép biến thành con rùa đen ngàn năm câm nín trên đỉnh đèo gần thác Tình Yêu.
Đèo Ô Quy Hồ
Cung đường uốn lượn thử thách các tay lái.
Nàng tiên đã về thiên đình nhưng ngày đêm thương nhớ tiếng sáo chàng Hồ, lâu dần sinh bệnh và qua đời. Khi mất, nàng hóa thành con chim phượng ngày ngày bay qua đỉnh đèo nơi chàng Hồ bị hóa phép và da diết gọi tên chàng: Ô Quy Hồ! Ô Quy Hồ!
Người dân nghe thấy tiếng gọi ai oán ấy mà đã lấy nó làm tên cho đỉnh đèo Ô Quy Hồ (đèo Hoàng Liên Sơn) ngày nay và dòng thác kia được gọi là thác Tình Yêu để tưởng nhớ câu chuyện tình ngang trái của đôi uyên ương.
Đứng trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ và ngắm nhìn những biển mây trắng bồng bềnh, xốp và mềm mượt như kẹo bông gòn hay đơn giản chỉ là ngắm những con đường đèo quanh co cũng khiến bạn quên đi mọi ưu tư.
Biển mây bên đường
Nếu đến Sapa, đừng quên lắng nghe câu chuyện tình này nhé!
Đình Tiến
(Theo Congluan.vn)