Khu di tích đền Nưa – Am Tiên nằm trên địa bàn xã Tân Ninh (huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá) không chỉ được biết đến là nơi Bà Triệu dấy binh đánh tan quân xâm lược phương Bắc, mà còn là một trong 3 huyệt đạo linh thiêng bậc nhất của nước ta. Xuân Kỷ Hợi 2019, Lễ hội Am Tiên đã đón hàng chục ngàn du khách tour du xuân 2019, để lại dấu ấn tốt đẹp khó quên trong lòng du khách…
Những ngày này, hàng ngàn người dân, du khách thập phương đã và đang tụ họp về Thanh Hóa để tham gia lễ hội đền Nưa – Am Tiên. Lễ hội đền Nưa – Am Tiên gắn với sự tích cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu và những câu chuyện kỳ bí đến nay chưa lý giải được như huyệt đạo thiêng nơi trời đất giao hòa (hay còn gọi là nơi mở cửa trời), giếng Tiên trên đỉnh núi nước không bao giờ vơi cạn và đứng trên cao có thể nhìn thấy được 4 phương 8 hướng.
Dãy núi Ngàn Nưa còn được biết đến là một danh thắng linh thiêng bậc nhất xứ Thanh. Với độ cao hơn 500m so với mực nước biển, quanh năm sương trắng giăng mờ khiến cảnh sắc nơi đây đã ghi dấu chân của du khách và là một điểm du xuân lý thú của những ngày đầu năm mới.
Đỉnh Ngàn Nưa chính là Am Tiên. Tương truyền Am Tiên là một trong 3 huyệt đạo linh thiêng của nước ta: một là ở núi Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội), hai là ở núi Bà Đen (Tây Ninh) và ba là ở Đền Am Tiên (Núi Nưa – Thanh Hóa). Huyệt đạo Am Tiên là nơi giao thoa của đất, trời và con người. Huyệt thiêng được khoanh vùng rộng khoảng vài chục mét vuông, theo kế hà hồ đó là Thiên – Địa – Nhân – Hợp – Nhất, 4 hướng đều có 4 bát hương và ở giữa một bát hương của thổ thần ứng với Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ.
Trên dãy núi Ngàn Nưa còn có giếng Tiên, cao 580m so với mực nước biển nhưng nước không bao giờ cạn, múc bao nhiêu đầy bấy nhiêu. Thời Bà Triệu khởi nghĩa đây được coi là nguồn nước để phục vụ sinh hoạt cho nghĩa quân. Ngoài ra, giếng Tiên còn gắn liền với nhiều giai thoại khác nhau, du khách du lịch Thanh Hóa đến đây thường lấy nước lên uống, rửa mặt, đắp mắt để cầu mong một năm mát mẻ, không ốm đau, bệnh tật.
Có người còn cho rằng nước giếng Tiên có thể chữa khỏi bệnh đau đầu, lấy nước gội lên đầu lát sau thấy khỏi bệnh, hay các người già trong làng khi ốm đau thường bảo con cháu lấy nước giếng Tiên về uống sẽ khỏi. Thậm chí, nhiều người không quên xin nước về để thắp hương cúng gia tiên.
Lễ hội đền Nưa – Am Tiên hàng năm được bắt đầu từ ngày mùng 9 tháng Giêng- ngày mở “Cổng trời” và kéo dài cho đến cuối tháng. Ngoài phần lễ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi còn có phần hội, tổ chức các hoạt động văn nghệ đặc sắc do các nghệ sỹ đến từ các đội văn nghệ quần chúng của địa phương, ngoài ra còn có các hoạt động giao lưu thể thao.
Ông Lê Bật Sơn Thủ từ Đền Nưa – Am Tiên chia sẻ: “Kinh nghiệm từ những năm trước, để chuẩn bị cho một mùa lễ hội diễn ra tốt đẹp, chúng tôi đã lên kế hoạch chuẩn bị đón du khách rất chu đáo. Từ bãi xe cho khách, xe đưa đón khách; rồi bộ phận phục vụ lễ hội, bộ phận thu gom rác thải… tất cả đều được lên kế hoạch từ trước. Mặc dù Lễ hội diễn ra bắt đầu từ ngày mùng 9 tháng Giêng, nhưng ngay từ đêm 30 Tết Nguyên đán, du khách mọi nơi đã tụ họp về đây rất đông để dâng hương, cầu may. Tính đến hết ngày 18/2, đã có khoảng 25 ngàn du khách đến với lễ hội, tất cả đều rất hài lòng”. Riêng ngày 11/2 (tức mùng 6 tháng Giêng) có xảy ra sự cố, một xe ô tô con của du khách lúc lên giữa dốc thì bị chết máy, thay vì gọi điện cho Ban điều hành lễ hội để được giúp đỡ, họ lại đóng cửa xe để giữa đường rồi lên dâng hương, gây ách tắc giao thông. Ngày sau đó, chúng tôi đã kịp thời xử lý kéo xe về bãi an toàn. – ông Sơn cho biết.
Cũng theo Thủ từ Lê Bật Sơn, để đảm bảo an toàn giao thông cho du khách, Ban quản lý quốc gia Am Tiên đã chuẩn bị 20 xe ô tô loại 16 chỗ và 70 xe máy để chở khách từ chân dốc lên đến đền. Xe được dán khẩu hiệu, lái xe được trang bị đồng phục để du khách dễ nhận biết, tuy nhiên do đường lên đền hẹp và dốc, nhiều xe ô tô, xe máy của du khách lên đền nên có nguy cơ xảy ra tai nạn.
Du khách Lê Thị Phương đến từ TP.Thanh Hoá chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ đầu năm là gia đình tôi lại đến đây cầu may, nhưng tôi thấy nhiều xe máy, ô tô leo dốc lên đền rất dễ gây tai nạn. Theo tôi, nên hạn phương tiện của du khách lên đền. Du khách nên để xe ở bãi xe chân dốc rồi đi xe ô tô tăng bo của Ban điều hành lễ hội cho an toàn. Chứ đường lên đền thì hẹp lại dốc, cứ mạnh ai nấy đi thì nguy hiểm quá”. Còn anh Hoàng Văn Quang, du khách đến từ TP.Hà Nội cho biết: “Đoàn của tôi để xe ô tô con dưới bãi đỗ xe, di chuyển lên đền bằng xe ô tô của Ban điều hành lễ hội. Chúng tôi rất hài lòng khi về với lễ hội Am Tiên, tất cả đều rất tốt. Từ xe đưa đón, đến an ninh, rồi vệ sinh môi trường…” .