- Bộ ảnh tuyệt đẹp về đất nước con người Việt Nam / Những hòn đảo lạ lùng nhất hành tinh
Ngày 9/9, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức đoàn khảo sát hang động Brai để đưa ra kế hoạch bảo tồn và khai thác du lịch hợp lý.
Hang Brai nằm ở phía tây Trường Sơn, thuộc địa phận thôn Sóc, xã Hướng Lập (huyện Hướng Hóa), sát biên giới Việt – Lào, cách thành phố tỉnh lỵ khoảng 150 km.
Hang được người bản địa phát hiện từ thời kháng chiến chống Mỹ. Người dân và bộ đội từng vào đây trú ẩn bom đạn.
Năm 2012, hang được phát hiện trở lại và nhanh chóng trở thành địa danh thu hút dân phượt.
Một đoạn bên trong hang Brai. Ảnh: Tiến Nhất |
Đường vào hang Brai khá thuận lợi. Từ cầu Sêbănghiêng đi bộ ngược dòng hơn 400m là đến hang động Brai. Leo lên đồi dốc cao khoảng hơn 30 m là đến cửa hang động. Đây là một hang động hoang sơ rất rộng và cao, cửa hình tam giác nhiều người có thể đi qua.
Bên trong hang động Brai có nhiều khối thạch nhũ lớn trong sắc vàng, trắng, cam… với nhiều hình dạng độc đáo khác nhau. Vào sâu trong hang động còn có những bãi đá, dòng suối nhỏ, nước mát lạnh…
Hiện, hang động chỉ mới được khám phá hơn 400 m, nhưng nhiều nhận định hang Brai còn sâu với nhiều khối thạch nhũ lớn, bãi đá ấn tượng.
Sau cuộc khảo sát, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh hang này có tiềm năng phát triển du lịch. “Tỉnh Quảng Trị cần có lộ trình cụ thể, khoa học, tránh tình trạng khai thác ‘thô’, dẫn đến danh thắng nhanh hư hại, xuống cấp”, ông Chính nói.
Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Quảng Trị được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng đề án khai thác hang Brai cùng các quần thể danh thắng ở xã Hướng Lập phục vụ du lịch.
Sau khi đề án được phê duyệt, tỉnh sẽ tiến hành lựa chọn đơn vị để giao khai thác du lịch. Trước mắt, hang được giao biên phòng Quảng Trị cùng chính quyền địa phương bảo vệ, tránh hiện tượng người du lịch tự phát cưa cắt thạch nhũ.
Hoàng Táo