Côn Sơn Kiếp Bạc, hai di tích lịch sử nổi tiếng của huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương ( cách Hà Nội chừng 80 km) được biết đến là điểm đến nổi tiếng với khu di tích lịch sử gắn liền với nhiều tên tuổi các anh hùng, danh nhân văn hóa đất Việt như Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi.
Suốt nhiều thế kỷ qua, cụm danh lam thắng cảnh này luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn bậc nhất ở miền Bắc. Với phong cảnh non nước hữu tình thơ mộng và hệ thống kiến trúc cổ xinh đẹp gắn liền với những câu chuyện đáng nhớ về nhiều tao nhân mặc khách, Côn Sơn – Kiếp Bạc luôn để lại trong lòng nhiều khách phương xa vô vàn cảm xúc bùi ngùi về đời sống văn hóa Việt Nam hàng trăm năm trước.
Chùa Côn Sơn nằm tọa lạc trên xã Cộng Hòa, giữa hai dãy núi Phượng Hoàng- Kỳ Lân cách Hà Nội khoảng 70km. Chùa là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm thời Trần được trùng tu mở rộng năm 1304 và được Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp vào hạng quốc gia.
Còn đền Kiếp Bạc thuộc địa phận hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, đây là nơi thờ phụng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Cái tên Kiếp Bạc được ghép từ tên của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn(làng Bạc). Vị trí của đền rất đặc biệt là nằm gần Lục Đầu Giang là nơi hội tụ của sáu con sông: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và nhánh chính của con sông Thái Bình. Đền cách Hà Nội khoảng 80km theo quốc lộ số 1 đến Bắc Ninh rẽ sang đường quốc lộ số 18 và cách chùa Côn Sơn khoảng 5km.
Cho tới nay, di tích Côn Sơn được tu tạo và bổ sung thêm nhiều nét mới, khiến phong cảnh càng thêm thơ mộng và huyền diệu. Du khách đến Côn Sơn vào bất cứ mùa nào cũng thấy không khí mát lành dễ chịu, bởi nơi đây có thảm thực vật vô cùng lý tưởng. Vào những ngày đầu xuân khi mưa lất phất, cây cối đua nhau nảy lộc, trời đất Côn Sơn hòa quyện lại với nhau. Đi dưới mặt đất mà tay như với được những áng mây bồng bềnh. Leo lên sườn núi, bước chân du khách lẫn trong mây.
Có lẽ không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng cảnh đẹp, Côn Sơn còn là miền đất địa linh nhân kiệt bởi Côn Sơn gắn liền với tên tuổi của rất nhiều danh nhân đất Việt. Không có gì lạ khi nói đến Côn Sơn người ta sẽ nghĩ đến Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi – người đã gắn bó cả cuộc đời, sự nghiệp của mình ở đây. Thật vậy, ở Côn Sơn, mỗi sự vật, di tích đều lấp lánh ánh sáng của Nguyễn Trãi – Sao Khuê.
Đã đến Côn Sơn, du khách không thể không leo lên sườn núi Kỳ Lân thơ mộng. Tương truyền, vào một sớm mùa thu, có một số thi nhân rẽ cỏ, vén hoa tìm đường lên núi. Trên đường đi, họ nghe như có tiếng nói cười lao xao từ đỉnh núi vọng xuống. Nhưng đến nơi tịnh không một bóng người, chỉ thấy một bàn cờ đang đánh dở. Đứng ở đỉnh núi cao giữa bao la đất trời, mọi người cho rằng các tiên đã xuống đây chơi cờ, múa hát, khi thấy người vội bỏ đi không kịp mang theo bàn cờ. Vì thế, đỉnh núi được gọi là Bàn Cờ Tiên.
Còn sườn bên phải núi Kỳ Lân, nơi Nguyễn Trãi dựng nhà dạy học, nay vẫn còn dấu tích nền nhà xưa cùng với phiến đá lớn mà nhân dân địa phương thường gọi là Thạch Bàn, hay còn gọi là hòn đá “năm gian” (rộng bằng 5 gian nhà), nơi Nguyễn Trãi từng ngồi ngâm ngơ, đọc sách.
Cảnh đẹp Côn Sơn từ trước tới nay đã quyến rũ bao tao nhân, mặc khách. Chả thế mà, sáu thế kỷ trước, Côn Sơn đã như cảnh thần tiên qua ngòi bút của Nguyễn Phi Khanh (thân sinh ra Nguyễn Trãi) tả trong “Thanh Hư Động ký1” : “Khói đầu non, ráng ngoài đảo, gấm vóc phô bầy/ Hoa dọc suối, cỏ ven rừng biếc hồng phấp phới/ Bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem…“. Còn với Nguyễn Trãi, Côn Sơn thật hữu tình, thơ mộng, được thể hiện qua tác phẩm Côn Sơn Ca: “Côn Sơn suối chảy rì rầm/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai…”.