Trong một thế giới phẳng như ngày nay, các tín hữu có thể tham dự thánh lễ ở bên ngoài quốc gia của mình hoặc có thể theo dõi thánh lễ đã hay đang diễn ra khắp nơi trên thế giới qua các phương tiện truyền thông như truyền hình và Internet.
Chính vì vậy, họ phát hiện ra một số điểm khác biệt giữa thánh lễ tại Việt Nam và ở những nơi đó. Anh chị em tín hữu Việt kiều khắp nơi trên thế giới cũng vậy, họ tham dự thánh lễ tại nước cư ngụ, rồi khi về nước, cũng nhận thấy có một số điểm khác biệt. Thậm chí, vì một lý do nào đó mà một số nhà thờ tại Việt Nam lại có thực hành giống nước nọ nước kia nhưng lại không giống như các giáo xứ khác tại quê hương mình. Hậu nhiên là các tín hữu có thể đặt ra những câu hỏi:
– Sau truyền phép, các tín hữu tiếp tục quỳ hay đứng lên?
– Khi rước lễ, tín hữu đứng hay quỳ?
– Nếu sử dụng nhang cây thì những người tiến lên dâng của lễ vái nhang cùng với cha chủ tế khi nào? Chúc bình an cho nhau như thế nào? Thánh lễ an táng hay hôn phối có được đồng tế hay không? Rước lễ dưới hai hình trong những dịp nào?
Thật ra, có thể xảy ra những cái khác biệt giữa giáo phận này với giáo phận kia vì giám mục giáo phận, với tư cách người quản lý trước nhất các mầu nhiệm thánh và là thượng tế của đoàn chiên được Giáo hội giao cho trách nhiệm kiểm soát, gìn giữ và bảo vệ toàn bộ đời sống phụng vụ, trong trách nhiệm đó, ngài điều hòa kỷ luật đồng tế, ra những quy định về việc phụ giúp linh mục tại bàn thờ, về việc cho rước lễ dưới hai hình, về việc xây dựng và xếp đặt trong nhà thờ trong giáo phận của ngài (Xc. Giáo luật, số 387; Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma [= QCSL], số 387; Redemptionis Sacramentum, số 19; Christus Dominus, số 15; Circular Letter to the Presidents of Episcopal Conferences (March 15, 1994), số 1; Notitiae 37 (2001): 397-399).
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ bàn đến những khác biệt ở cấp độ quốc gia thuộc phạm vi quyền hạn của Hội đồng Giám mục vì theo Quy chế Tổng quát Sách Lễ Roma số 390, các Hội đồng Giám mục có quyền quy định những thích nghi và sau khi đã được Tòa Thánh phê chuẩn đúng cách, sẽ được đưa vào Sách Lễ Roma. Những điều được thích nghi đã được chỉ rõ trong Quy chế Tổng quát và trong Nghi thức Thánh lễ là:
– Các cử chỉ và điệu bộ bên ngoài của tín hữu (QCSL 24, 43);
– Các cử chỉ tôn kính đối với bàn thờ và Sách Tin Mừng (QCSL 273);
– Bản văn các bài hát nhập lễ, chuẩn bị của lễ và hiệp lễ (QCSL 48, 74,87);
– Các bài đọc Kinh Thánh được dùng trong những hoàn cảnh đặc biệt (QCSL 362);
– Cách thức trao bình an (QCSL 82);
– Cách thức rước lễ (QCSL 160-161, 284);
– Chất liệu làm bàn thờ và đồ lễ, nhất là các bình thánh, cũng như chất liệu, hình thức và màu các phẩm phục dùng trong phụng vụ (QCSL 301, 329, 332, 342, 345-346, 349).
Với những đề nghị này, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thích nghi một cách cụ thể như thế nào? Chúng ta có thể tìm thấy lời giải đáp [cho câu hỏi này và cũng cho tất cả những thắc mắc được đặt ra ở trên] ngay trong Quy chế Tổng quát Sách Lễ Roma [2002] phiên bản tiếng Việt hiện nay [ở những phần liên quan đến quyền hạn và quyết định của Hội đồng Giám mục]. Những quyết định mà Hội đồng Giám mục đề ra là nhằm xây dựng những cái riêng của quốc gia mình cho phù hợp với phong tục tập quán, phẩm tính, tư chất và văn hoá của dân tộc nhưng vẫn phù hợp với những nguyên lý của tinh thần phụng vụ chân chính, luôn hợp nhất và không xa rời cái chung của Giáo hội hoàn vũ (QCSL 25). Sự thích nghi đảm bảo rằng Sách Lễ Rôma, do Hội đồng Giám mục Việt Nam phê chuẩn và được Tòa Thánh công nhận (QCSL 397), dù có dung nạp một sự khác biệt nào đó về tập tục, thì vẫn là dụng cụ và dấu hiệu sáng chói của sự toàn vẹn và thống nhất của Nghi lễ Rôma, đáp ứng được nhu cầu của toàn thể Giáo hội một trật với nhu cầu của Giáo hội địa phương (QCSL 399).
I. Giáo dân quỳ hay đứng lên sau truyền phép?
Tại Việt Nam, các tín hữu có thói quen quỳ gối suốt từ sau lời tung hô “Thánh! Thánh! Thánh!” cho đến hết Kinh nguyện Thánh Thể và trước lúc rước lễ khi linh mục đọc: “Đây Chiên Thiên Chúa”. Đó là điều đáng khen nên giữ (QCSL 43).
Điều này có nghĩa là: i] Sau truyền phép, giáo dân vẫn tiếp tục quỳ gối cho đến khi hát xong Amen long trọng [sau Vinh tụng ca “Chính nhờ Người…”]; ii] Trong phần nghi thức hiệp lễ, các tín hữu đứng cho đến khi hát hay đọc xong “Lạy Chiên Thiên Chúa…” (Agnus Dei) thì quỳ xuống trở lại.
II. Đứng hay quỳ khi rước lễ?
Theo QCSL 160, các tín hữu có thể quỳ gối hoặc đứng khi rước lễ, tùy theo Hội đồng Giám mục quy định. Tuy nhiên, họ không được tự tay mình cầm lấy bánh đã được truyền phép hoặc chén thánh, lại cũng không được chuyền tay nhau từ người này đến người kia.
Tại Việt Nam chúng ta, HĐGM quy định rằng các tín hữu đứng rước lễ. Vì thế, họ nên cúi mình thờ lạy Chúa Kitô trước khi rước lễ [cả Mình Thánh hay Máu Thánh] để bày tỏ sự cung kính xứng hợp (Eucharisticum Mysterium [1967], số 34; Inaestimabile donum [1980]). Tuy nhiên, để khỏi mất giờ [và giúp cho sự đến và đi của người rước lễ không bị trở ngại], nên cúi mình khi người đi liền trước đang rước lễ (QCSL 160).
Sau khi rước lễ, các tín hữu đi về chỗ của mình, lúc này họ có thể đứng hoặc quỳ hoặc ngồi tùy ý (Notitiae 39 (2003):533).
III. Rước lễ trên tay hay trên lưỡi?
QCSL 161 dạy rằng nếu chỉ cho rước lễ dưới hình bánh, thì linh mục [hay thừa tác viên Thánh Thể] cầm Bánh Thánh giơ cao lên một chút trước mặt từng người, và nói: “Mình Thánh Chúa Kitô”, người rước lễ thưa: “Amen”, và lãnh nhận Mình Thánh bằng miệng hoặc nơi nào cho phép, thì bằng tay tùy ý. Người rước lễ vừa nhận Bánh Thánh thì phải nuốt hết ngay.
Tại Việt Nam, HĐGM quy định rằng được rước lễ trên tay, có nghĩa là người rước lễ có thể hoặc rước lễ bằng miệng hoặc rước lễ bằng tay. Vì thế, thừa tác viên trao Mình Thánh không được từ chối quyền chọn lựa của họ (Giáo Luật 843 § 1).
IV. Cúi mình thay cho bái gối
Bái gối là bái gối bên phải sát đất, biểu lộ sự thờ lạy, vì thế, nó được dành để tôn kính phép Thánh Thể và Thánh Giá kể từ khi nghi thức tôn thờ trọng thể trong phụng vụ ngày thứ Sáu Tuần Thánh cho đến lúc khởi đầu Canh thức Vượt Qua (QCSL 274).
Tại Việt Nam, Hội đồng Giám mục đã quy định thay thế bái gối bằng cúi mình. Bởi vậy, trong thánh lễ, có ba lần chủ tế cúi mình thay cho bái gối, tức là: sau khi dâng Mình Thánh, sau khi dâng Máu Thánh và trước khi rước lễ. Nếu nhà tạm có Mình Thánh Chúa đặt trong cung thánh, thì linh mục, phó tế và các thừa tác viên cúi mình khi đến bàn thờ hoặc khi rời bàn thờ, nhưng không cúi mình trước nhà tạm đang khi cử hành thánh lễ. Ngược lại, mọi người cúi mình khi đi qua trước Mình Thánh Chúa, trừ ra khi đang đi kiệu. Những thừa tác viên cầm thánh giá nến cao (đèn hầu) đi rước, thì cúi đầu thay vì cúi mình (QCSL 274).
Ở đây, cũng xin nói thêm về cử chỉ cúi đầu và cúi mình, chúng được áp dụng cho toàn thể Giáo hội. Việc cúi đầu, cúi mình nói lên sự tôn kính đối với chính các nhân vật hoặc các biểu tượng của các nhân vật ấy. Chúng ta cúi đầu mỗi khi đọc kinh Ba Ngôi Thiên Chúa một trật, khi đọc tên Chúa Giêsu, tên Đức Maria đồng trinh và tên vị thánh được kính trong lễ hôm ấy. Chúng ta cúi mình hoặc cúi sâu: khi chào kính bàn thờ, khi đọc các kinh “Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thanh tẩy…”, và kinh “Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận…”, khi đọc câu: “Bởi phép Chúa Thánh Thần…” trong Kinh Tin Kính, câu: “Lạy Chúa toàn năng, chúng con nài xin Chúa…” trong Lễ quy Rôma, phó tế cũng cúi mình khi xin chúc lành trước khi đi đọc bài Tin Mừng. Ngoài ra, linh mục cũng hơi cúi mình khi đọc lời truyền phép (QCSL 275).
(còn nữa)
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
Theo: cgvdt.vn